Con gái mãi cũng không hiểu được…

Thursday, March 29, 2012 |


Con gái mãi cũng không bao giờ biết được vì sao con trai phải học tính kiên cường? Vì con trai biết rằng, tuy họ vẻ bề ngoài kiên cường, nhưng thật chất nội tâm rất yếu ớt. Những chàng trai luôn muốn bản thân mình khi bên 1 nữa ấy cảm giác chàng là người cừ nhất.

Con gái mãi cũng không bao giờ biết được vì sao con trai không dễ gì rơi nước mắt? Vì con trai biết rằng, họ không phải không biết khóc, chỉ là họ hiểu, một khi nước mắt đã rơi, tình cảm ấy liền kết thúc.

Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được vì sao cứ mỗi lần phiền não, con trai lại thích hút thuốc như thế? Vì chính họ tự nhận ra rằng, trong khoảnh khắc ấy chỉ có trong làn thuốc họ mới tìm lại được những kỷ niệm đẹp đẽ của cả hai, đi tìm một chút sự cân bằng về tâm lý cho chính họ.

Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được vì sao khi đã chia tay rồi con trai vẫn thường hay thăm hỏi ân cần đến cô gái? Vì chính họ nhận ra rằng, thật ra họ không muốn là một người bạn của cô gái, chỉ là muốn cứu vớt mối tình đã từng thuộc về họ.

Con gái mãi cũng không bao giờ biết được vì sao mỗi lần nghe cô gái nói mình bị ức hiếp liền tỏ vẻ phát điên lên? Vì chính họ biết rằng, ngay cả khi cuộc tranh cãi bị thua, tránh đi chuyện xô xát, con trai lại cảm thấy vui mừng. Vì họ thà để cho mình bị tổn thương, cũng không muốn nhìn thấy nàng phải khóc.

Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được vì sao khi đã chia tay, con trai luôn say rượu mỗi đêm? Vì họ biết rằng, nếu như tối nay không làm mình say, vậy thì đêm nay phải sống trong nỗi nhớ.

Con gái mãi cũng không bao giờ biết được vì sao mỗi lần đi chơi con trai lại galang như thế? Vì con trai biết được, họ thà tiết kiệm chi tiêu cho riêng mình, còn hơn cô gái bị người khác xem thường.

Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được vì sao con trai lại thích nổi cơn giận với mình? Vì chính con trai hiểu được, nổi giận với cô ấy không phải là không yêu, chỉ hy vọng cô gái khi bước vào đường đời không bị người khác ức hiếp.

Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được vì sao con trai lại quan tâm đến chuyện bạn trai trước của cô gái? Vì chính con trai tự nhận ra rằng, không phải họ mất tự tin, chỉ vì họ sợ một ngày nào đó bạn sẽ rời xa cậu ta.

Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được vì sao khi nhìn thấy bạn viết nhật ký cho người khác lại tỏ ra bình tĩnh khi nghe bạn giải thích? Vì chính con trai biết được, họ không phải không muốn nổi giận, chỉ hy vọng từ chính miệng bạn nói ra rốt cục cậu ta là người quan trong hay người khác quan trọng.
Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được vì sao con trai không bao giờ nói với bạn ba từ : ANH YÊU EM? Vì bản thân họ nhận ra rằng, không phải không muốn nói, chỉ là họ tự hiểu ra, nói với bạn một ngàn câu, một vạn câu “anh yêu em” cũng không bao giờ đủ.

Con gái mãi cũng không bao giờ hiểu được tại sao con trai lại vào đây post bài viết này? Vì họ biết rằng, hy vọng một ngày nào đó bài viết này bạn sẽ thấy, và để chứng minh những điều không thể lý giải của bạn đối với cậu ấy. Chỉ có trong lòng cậu ta hiểu, nếu bài viết không một ai trả lời, nó sẽ nhanh chóng mất đi.

Cầu chúc cho những người đang yêu trên thế gian này được toại thành. Khi bạn nhìn thấy bài viết này mà trong lòng nghĩ đến người ấy nhất, đó cũng chính là bạn yêu người đó nhất đấy!!

Read more…

Bên người tình rụng răng

Wednesday, March 28, 2012 |
Nghe người bạn nói lại, tôi quyết định đi đến Bến Tre vào một ngày tháng Chạp. Khi ấy, so đũa nở hoa trắng xóa hai bên quốc lộ và chuyến phà chiều thật đông người. 
    Sẫm tối, tôi đến khách sạn đăng ký phòng và sau đó thì lang thang qua những đường phố hẹp của tỉnh lỵ. Tôi thấy Bến Tre có nhiều cô gái đẹp nhờ vào mái tóc dài và đôi mắt hiền. 
    Tôi không chắc sẽ gặp được nàng. Lúc chia tay thì nàng đã 25 tuổi và vừa có chồng. Ba mươi năm trôi qua, bây giờ tôi đã bước đến ngưỡng cửa 60. Tôi còn nhớ lúc tiễn nàng cùng chồng ra ga để đáp chuyến tàu trưa về Nha Trang, bỏ lại tôi và cơn mưa mùa hè mù mù, ẩm lạnh. 
    Tôi ghé vào quán cà phê Huê Liên và gọi cà phê sữa. Tôi đã bỏ uống cà phê đen cách đây mười năm. ở quán vắng người nên tôi thấy dễ chịu. 
    Một người đàn ông đã già ở một xứ lạ, tôi bần thần nhìn ra đường. Nơi đó nhạt nhòa ánh đèn và những ngôi nhà cửa đóng im ỉm. Một đôi tình nhân trên chiếc Honda vụt qua. Tôi chỉ kịp nhìn vào đôi chân thon của cô gái mặc mini jupe màu trắng ngồi phía sau. 
    Tôi nói với cô chủ quán rằng hãy mở nhạc mà trong đó có câu "Mười năm cách biệt tình đành quên lãng". Cô ta cười và phân trần là nhạc như thế bị cấm. Tôi đành sống trong suy tưởng trên nền nhạc rậm rịch của phương Tây. Phía bên bàn đối diện có hai gã ăn mặc kiểu phụ nữ, độn ngực và hai gã có mái tóc kiểu bờm ngựa đang cười nói. Từ phía sông Bến Tre đưa về những luồng gió lạnh và thoang thoảng mùi chợ. 
    "Ông Kiên đó ư?" 
    Nàng hỏi khi gặp tôi. Lúc đó, nàng đang tưới hoa vạn thọ trước sân. Tôi nhìn thấy phía xa là cánh đồng và những cánh cò. Tháng Chạp, buổi sáng ở đồng bằng trong trẻo với những đám mây trắng bồng bềnh. Tôi cười nhưng lòng đượm buồn khi nói rằng tôi đã đi tìm nàng suốt quãng đời còn lại. Nàng trầm ngâm, đưa mắt nhìn con đò ngang đang đưa khách phía dòng sông. 
    Nàng mời tôi vào nhà. Tôi thấy nàng hơi gầy với đôi tay ốm và dài. 
    "Mấy cháu đâu?". 
    Tôi hỏi điều đó khi thấy căn nhà gỗ vắng lặng. Nàng buồn rầu, pha trà và nói rằng chẳng có đứa con nào. Và nàng tiếc là ông nhà đã đi Giồng Trôm chứ nếu không thì để cho hai người ngồi uống rượu với nhau. Tôi nói rằng tôi sẽ rời khỏi thị trấn này vào sáng ngày mai nên cũng hy vọng gặp chồng nàng vào buổi chiều. 
    "Mới đó mà ba mươi năm!" - Nàng thở dài. 
    "ờ, ba mươi năm!". 
    Nàng ngồi thừ người và tôi thấy xót xa khi nhìn thấy lớp da nhăn nhúm trên má nàng. 
    "Sao ông biết...?". 
    "Biết chứ! Ngày đó Hương về Nha Trang?". 
    "Rồi đi khắp cả: Huế, Buôn Ma Thuột, Tân An và cuối cùng thì đến đây". 
    "Chạy lúc 75?". 
    Nàng gật đầu. Tôi biết là nàng đã lén gạt những giọt nước mắt. Nàng bảo tôi hãy cùng nàng đi dạo. Chúng tôi đi qua những luống hoa hồng, cúc vàng và cẩm chướng. Nàng nói vợ chồng nàng sống bằng nghề trồng hoa. Tôi nghe phảng phất trong gió có mùi hoa bưởi xen lẫn với mùi cỏ dại. 
    Nàng bước những bước ngắn và nhẹ nên tôi thấy hình như bên cạnh tôi đó chính là cô gái tên Hương ngày nào. Lúc trẻ, khi nhìn vào những bà già tôi thấy xấu ghê gớm nhưng bây giờ tôi lại thấy nàng đẹp. Hóa ra, việc xấu đẹp là do cách nhìn của mỗi độ tuổi con người. 
    Chúng tôi đi vào vườn, dẫm qua những tàu lá dừa khô và ngồi xuống bãi cỏ cạnh đìa, nơi đó nở đầy bông súng tím. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn, thật buồn. Tôi kể cho nàng nghe về những năm tháng qua và đoạn đường tôi lưu lạc. Và khi ở R, tôi đã gặp cô gái văn công người Bình Dương để sau này thành vợ tôi. Nàng hỏi rằng vợ con tôi hiện giờ sống ở đâu. Tôi đáp là ở ngoại ô Sài Gòn và vào mùa này thường có những đàn cò di cư trở về. 
    Tôi không hỏi nàng một điều gì về cuộc đời của nàng vì khi nhìn dáng nàng tôi cũng đoán biết được phần nào. Sự khổ tâm thường hiện rõ trên đôi mắt hơn là hiện trên thân thể. 
    "Ông thật hạnh phúc!" - Nàng nói. 
    "Hạnh phúc?". 
    Và tôi nói thêm là nàng đừng buộc tôi trả lời câu ấy; một câu rất bình thường nhưng cay nghiệt, cay nghiệt cho tôi và cả cho nàng. Tôi thấy một con ong đang vo ve trên nụ hoa bưởi và tôi cũng không quên liếc nhìn tay nàng giờ chằng chịt những mạch máu. 
    Nàng cười, nụ cười thời con gái trên gương mặt người đàn bà ở độ tuổi xế chiều: 
    "Ngày tôi ra đi, ông nghĩ gì về tôi?". 
    Nàng muốn nhắc đến ngày cưới của nàng, tôi không trả lời mà chỉ nhìn ánh mặt trời nhảy nhót trên mặt sông trước mặt. Một lát sau tôi mới nói rằng đêm ấy tôi cười rất nhiều, cười để giấu sự nuối tiếc. Tôi đoán là nàng hiểu tôi nói đùa. Một câu nói đùa khi không có câu đùa đáp lại thường rơi vào sự lố bịch. Tôi nghĩ như thế nên im lặng. 
    "Lúc cần có ông bên cạnh, ông lại bỏ đi" - Nàng thở dài. 
    "Anh nghĩ là Hương không yêu anh". 
    "Vì sao?". 
    "Hương quá lạnh lùng!". 
    Tôi đáp mà không nhìn nàng nhưng tôi biết là nàng nhìn tôi. 
    "Cũng như ông, ông lấy nụ cười để giấu nỗi buồn. Còn tôi, tôi dùng mặt lạnh để giấu sự mặc cảm". 
    Tiếng con chim khách kêu từ phía vườn xa và tôi thấy chạnh lòng trước cảnh một gã ngồi câu cá cô độc trên chiếc xuồng nhỏ. 
    Chúng tôi đi qua vườn dừa, đến cánh đồng và không ai nói với ai một lời nào nữa. Tôi đốt một điếu Casio vì bác sĩ bảo dạo này tôi mắc chứng viêm họng nặng. Tôi thấy nàng đi khập khiễng nên tôi biết là nàng bị bệnh phong thấp. Mái tóc dài của nàng ngày trước bây giờ chỉ còn là một búi tóc tròn sau gáy, lốm đốm bạc. 
    "Bước đường đi của người ta, mình vẫn dõi theo mà người ta không biết. Thì thôi!" - Nàng nói bâng quơ trong ý nghĩ. 
    "Hương rụng mấy cái răng rồi?" - Bất chợt, tôi thốt lên câu mà hồi niên thiếu tôi thường chọc ghẹo nàng. 
    "Ba. Còn ông?". 
 
  "Bảy. Người thất tình hay rụng răng sớm". 
    "Cũng cái giọng ấy". 
    "Anh sẽ bỏ khi không còn nhớ Hương". 
    "Khi nào không nhớ?". 
    "Chết!". 
    Tôi nhìn đồng hồ và thấy đã 12 giờ. Tôi cũng không hiểu vì sao đến giờ này tôi không cảm thấy đói. Lúc ấy chúng tôi đang đi dọc triền sông. Tôi đọc cho nàng nghe bài "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư mà thời đó tôi đã chép vào sổ tay của nàng. Nàng khóc. Tôi sợ những giọt nước mắt của người già nhưng tôi lại thích nhìn nước mắt nàng rơi. Giọt nước mắt nàng dù ở tuổi 55 nhưng đối với tôi nó vẫn như ở tuổi 20. 
    Nàng đưa cho tôi một bông hồng đã héo rũ và bảo tôi hãy làm thơ về thân phận của nó. Tôi nói rằng tôi đã bỏ làm thơ từ khi mất nàng. Tôi choàng tay qua vai nàng nhưng nàng đẩy ra và nói bây giờ là ban ngày. Tôi cảm thấy mỏi nhừ hai đầu gối và bắp chân nên chúng tôi ngồi lại nghỉ dưới gốc cây me già. Nàng bóp chân cho tôi. Tôi cảm nhận được bàn tay nàng khác bàn tay vợ tôi dù cả hai đều là bàn tay phụ nữ. 
    "Mình về!" - Nàng mở lời. 
    Tôi thở dài và nhìn nhụy bần rơi trắng bãi sông. 
    "Gặp nhau chỉ vậy thôi sao?". 
    "Già rồi". 
    "Tình đầu dù ở khoảng thời gian nào vẫn là tình đầu". 
    "Ông muốn tôi sống hạnh phúc chứ?". 
    "Không!". 
    Nàng ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi giải thích là hai người yêu nhau thật lòng và người nào bước sang ngang thì người còn lại chỉ ước mong sao người kia phải sống khổ sở để mà ân hận, nuối tiếc người cũ. 
    "Ông là người ích kỷ và có cái tật nói ngang không hiểu nổi". 
    "Ai bị mất tình yêu cũng đều tỏ ra cao thượng trước mắt mọi người nhưng thật sự đó chỉ là sự cao thượng bên ngoài". 
    "Dù cao thượng vẫn hay hơn?". 
    "Lúc trẻ anh không dám nói. Bây giờ đã già và anh mạnh dạn nói rằng mọi người con gái đều lầm ở cái khoản đó". 
    Nàng đứng lên và đi về phía vườn hoa nhà nàng. Tôi đi theo dấu chân nàng in trên đất giồng có màu sẫm và hát nho nhỏ bài dân ca Nga có giai điệu buồn. Gió chướng vu vơ trong buổi chiều muộn. 
    Tôi gặp chồng nàng khi chúng tôi về đến nhà. Gã đang ngồi lặng lẽ vót những nan tre. Gã gật đầu chào tôi và tôi cũng biết rằng gã đã nhận ra tôi của 30 năm về trước qua ánh mắt thoáng sững sờ. Tóc và râu của gã đã bạc không khác gì tôi. Tôi im lặng đốt một điếu thuốc. Khi ấy, tôi nghe có tiếng chim non đói mồi kêu trên cây trâm bầu. Từ phía thị trấn văng vẳng lời rao của đội chiếu Vidéo. 
    Nàng đến bên gã và bảo hãy tìm chút gì để đãi khách. Tôi không khách sáo vì tôi bắt đầu thấy đói. Mắt tôi dù mờ nhưng cũng phụ bắt được một con gà nòi đang chạy rong chưa chịu vào chuồng. 
    ở buổi tiệc nhỏ ấy, tôi và gã không ai nói tới ai. Nàng ngồi bên, lặng im rót rượu. Đêm châu thổ sông Tiền tôi nghe có tiếng lá dừa xào xạc và nhìn thấy ánh lân tinh đom đóm lập lòe nơi rặng bần ven sông. Gã uống rồi lặng lẽ trao sang tôi. Sau đó, gã âm thầm đốt những điếu thuốc được cuốn bằng những sợi Xuân Lộc màu vàng. 
    Khi hết nửa lít tôi bảo rằng nàng hãy cho thêm một xị nữa. Từ lâu, uống rượu vào là tôi bị mất ngủ trừ phi phải uống thật nhiều. Tôi bỗng nhớ tới vợ tôi, ba đứa con và ba đứa cháu ở Sài Gòn giờ này chắc không biết tôi ở nơi đâu. Tôi cảm thấy thương vợ tôi. 
    Nàng trở về và đưa cho gã chai rượu. Gã rót rượu, còn nàng thì gắp thức ăn cho tôi. Tôi hiểu nỗi hiu quạnh của đôi vợ chồng già không con nên lúc này nỗi căm thù gã đã chiếm mất người yêu của tôi hình như tan biến. Tôi mang máng nhận ra giờ đây tôi thấy thương mến cả hai người. ở phía bờ sông có giọng đàn ông gọi đò trầm trầm và tiếng con vạc sành kêu đêm róc rách như tiếng mưa rơi trên mái nhà. 
    "Buồn, ông bạn" - Gã chợt nói. 
    "ờ, buồn!". 
    Nàng mím môi và nhìn ra cửa sổ. ở đó, trăng thượng tuần hắt xuống khoảng sân ánh sáng nhàn nhạt. 
    Có phải nàng ở đấy không? Tôi tưởng tượng ra lúc tôi và nàng gặp nhau. Tôi trả tiền cà phê và đốt một điếu Mélia. Tôi trở lại khách sạn trong đêm khuya của tỉnh lỵ cuối năm và nhận biết trời càng lúc càng lạnh. 
    Biếc chắc phải nàng ở đấy không? Tôi nhớ tới địa chỉ nàng do người bạn trao cho. Nơi ấy, là một thị trấn đìu hiu nằm bên dòng sông và ngày ngày có chuyến đò ngang đưa khách. 

Vũ Hồng
Read more…

Cha và con gái

Thursday, March 22, 2012 |

  "Đã nói để con đi xe lam".
    "Đỡ đồng nào hay đồng đó con à!".
    Ông lão nói chậm rãi. Bầu trời vào buổi rạng sáng le lói những vì sao muộn và tiếng gà gáy đổ hồi phía làng mạc. Cánh đồng mù mờ với những lùm cây dại đen thẫm, lúp xúp chạy dài đến tận chân trời.
    Ông lão lại húng hắng ho, tay run run sửa lại ngọn đèn dầu treo trên thành xe. Gió phả vào từng cụm sương ẩm ướt và lạnh. Thức trắng một đêm để chuẩn bị mọi thứ cho con đi xa nhưng sao ông vẫn không cảm thấy buồn ngủ. Cho đến tận bây giờ ông không nhớ đã bao nhiêu lần ông đánh xe bò đưa con gái ra bến phà. Duy có lần này thì lại khác, trong lòng ông như có một điều gì đó, ngổn ngang trăm mối.
    Lụa ngồi ở phía sau. Cô duỗi dài đôi chân và im lặng ngắm nhìn gương mặt nửa tối, nửa sáng, khắc khổ của cha, ái ngại. Dòng sông chảy miệt mài trong đêm như một dải lụa trắng vắt len lỏi qua vùng châu thổ. Bất giác, cô cảm thấy buồn vui lẫn lộn, giống như một vì sao xẹt ngang nền trời rồi mất hút, chẳng để lại gì trong cô.
    "Thì cũng sẵn chuyến chở củi cho cậu Tám luôn thể" - Ông lão mở lời sau khoảnh khắc lặng im - "Con coi đồ đạc, giấy tờ còn thiếu thứ gì không!".
    "Có đi chỗ khác về mới thấy xứ mình xơ xác và buồn quá!" - Lụa vuốt mấy sợi tóc mai lòa xòa nơi trán - "Ba mà lo thì con tin chẳng thiếu thứ gì đâu".
    "Tiền bạc phải cất kỹ. Đang nghỉ hè con đi Sài Gòn chi gấp vậy?".
    "Con đã nói mà ba không nhớ gì hết. Năm nay con ra trường rồi".
    "Vậy hả?".
    "Một công ty nước ngoài hẹn con sáng thứ Hai vào thử việc. Tụi bạn nói con có nhiều tương lai".
    Lụa nở nụ cười tươi và nói líu lo trong khi ông lão thấy chạnh lòng. Rồi nó cũng bỏ ông mà đi. Từ bao đời nay, khi nghe thời khắc dần trôi qua, ông luôn có cảm giác rằng mình là kẻ bị bỏ rơi giữa cuộc đời. Trong căn nhà lá quạnh hiu, hai giờ sáng, ông đã lục đục thức dậy, châm một bình trà và ngồi đăm đắm nhìn màn trời thẳm sâu. Làm bạn với ông là chú cóc già nua lúc nào cũng nhảy loanh quanh theo chân ông. Có lúc ông còn trò chuyện với nó những lời về thời tiết, về mùa màng và về đứa con đang đi học xa. Cái thói quen ấy không rõ đến với ông tự khi nào. Có lẽ nó đến từ cái ngày vợ ông bỏ ông mà đi về một cõi xa xăm nào đó chỉ có bóng đen vô tận. Ông cưới bà lúc ông đã vượt qua ngưỡng cửa bốn mươi nên tất cả tình cảm còn sót lại ông đều dồn hết vào vợ con. Ngày con lên hai, ông đã phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Ông nghe sống mũi cay xè khi nhớ đến những ngày con gái ông biết đi chập chững.
    "Nghĩ lại hồi đi cắt cỏ trâu mướn cho chú Hai Lân, kiếm từng đồng mà con tức cười" - Lụa vừa nói vừa nhịp tay xuống sàn xe theo một điệu nhạc - "ở thành phố họ xài tiền không cần đếm. Làm việc thì trong phòng kính, gắn máy lạnh chạy vù vù chứ không như dân quê mình, suốt ngày cong lưng đi cấy lúa dưới trời nắng chang chang cũng có được chừng mười mấy ngàn. Mai mốt đi làm có tiền, con mua nhà ở Sài Gòn, ba cứ về sống với con, khỏi làm lụng vất vả".
    "Để coi coi" - Ông lão đáp trôi xuôi cho vui lòng con - "Ba chỉ quen với chuyện ruộng nương...".
    "Làm ruộng cực. Ba bán đi!"
    Ông lão lảng sang chuyện khác:
    "Tháng sau đám giỗ má con, con tranh thủ về được không?".
    "Cũng còn tùy. Vả lại mới vào làm chắc không tự tiện nghỉ được. Người nước ngoài họ rất quan trọng giờ giấc. ờ ba nè, ba ráng coi có cách nào sắm cho con chiếc xe gắn máy, chỗ người ta sang trọng mà đi cọc cạch bằng xe đạp cũng kỳ".
    "Để ba tính lại".
    Tránh nhìn vào mắt con, ông lão nhìn đăm đắm về phía chân trời, nơi đang có quầng sáng nhạt hắt lên qua màn sương càng lúc càng dày đặc.
    Thỉnh thoảng, có những người đàn bà gánh hàng về phía chợ cất tiếng chào ông. Ông thờ ơ đáp lại. Đôi bò vẫn lầm lũi đi với tiếng móng khô khan gõ xuống mặt đường. Đâu đó phả vào mũi ông mùi rơm ẩm mốc, mùi phân trâu bò ngai ngái và mùi của những vũng nước tù đọng.
    Lụa đằng hắng, cô nhìn ông, vẻ lo lắng:
    "Sao tự nhiên ba buồn vậy?".
    "Có đâu?".
    "Lớn tuổi rồi ba cứ ở nhà. Chở mướn cho người ta hoài họ xem thường. Vả lại bụi sẽ làm hư mắt ba. Có mấy bịch dầu cá con để trên bàn thờ má, ba nhớ uống hàng ngày nghe!".
    "Xin tuân lệnh công chúa" - Ông lão nháy mắt, tinh nghịch - "Để mai ba gởi người ta đi thị xã sắm cái kiếng đen. Ba mà đeo kiếng chắc oai lắm hả?".
    "Đi xe bò mà đeo kiếng trông chẳng giống ai".
    "Lụa nè!".
    "Chi?".
    "Bao nhiêu tiền đó con xài tạm ít hôm rồi ba sẽ thu xếp gởi tiếp. Nếu làm mà thấy họ đối xử với mình như đầy tớ thì cứ về quê, ba sẽ nhờ chú út ở ủy ban".
    "Về đây cho chết đói à?" - Lụa bĩu môi - "Con không thèm".
    "Thì người ta vẫn đi làm chứ có ai chết đâu?".
    Ông lão ngắc ngứ, muốn nói thêm câu gì đó nhưng sợ đứa con gái yêu của ông giận dỗi, nên thôi. Ông thừa hiểu tính khí của con. Kể từ khi con bước chân vào ngưỡng của đại học, ông có linh cảm như nó dần vuột khỏi vòng tay chở che của ông về ý tưởng. Những cuộc trò chuyện vui vẻ giữa hai cha con ít dần đi. Có đôi lúc, ông thấy con ngồi nhìn đi đâu đó, không nói một lời. Ông kiếm chuyện hỏi, chẳng đáp chẳng rằng, nó vớ lấy quyển sách. Ông hỏi tôi, nó càu nhàu: "Ba nói nhiều quá!" hoặc "Chuyện đó ba kể rồi!"... Tiu nghỉu, ông lủi thủi ra đồng và thả hồn theo tiếng bìm bịp kêu khắc khoải ven sông.
    "Chẳng lẽ càng lớn tuổi mình cũng trở nên lẩm cẩm rồi sao?" - Ông luôn tự dằn vặt mình câu ấy mỗi khi bên bàn trà suông. Ông có cảm giác rằng thế hệ giữa tuổi ông và tuổi con có một điều gì đó chưa ổn thỏa, không hiểu nhau, hình như là thiếu đi một thế hệ làm sợi dây nối kết. Con gái ông lúc nào cũng yêu quý ông nhưng về ý tưởng thì lại
luôn đối kháng.
    Bất giác, ông buột miệng nói vu vơ:
    "Con gái thì phải cẩn thận. Làm cái gì cũng phải từ từ".
    "Ba vừa nói cái gì?" - Lụa giật mình ngơ ngác như vừa qua cơn mê ngủ.
    Ông lão lặp lại khiến Lụa ôm mặt cười khúc khích:
    "Ba làm như con quê lắm vậy. Đừng hòng có ai dụ dỗ được con gái của ba. Hồi năm thứ hai có mấy tay theo đuổi riết làm con bực mình. Con gạt ra hết. Trước tiên phải làm ra tiền cái đã. Có tiền không ai dám khinh mình".
    "Thì dặn hờ vậy chứ con ở Sài Gòn làm sao ba biết hết được".
    "Ba kỹ tính như mẹ của nhỏ bạn con, lúc nào cũng một câu con gái lớn rồi thì phải dè chừng".
    Trước mắt ông lão chợt hiển hiện cảnh một buổi chiều mưa, khi ông đón con từ trường về, lúc ấy nó học lớp Một hay lớp Hai gì đó. Đường làng trơn trượt, hai cha con ướt như chuột lột. Nó hỏi lúc ông đang cõng nó trên lưng: "Má con đâu ba?". Ông giật mình: "Sao con hỏi má?". Nó nói mà như khóc: "Mấy đứa bạn nó chọc, nói con không có má. Ba lượm con ở thùng rác về nuôi". "Bậy nè. Má con đi xa chưa về". Nó lại hỏi: "Xa là đâu?". "Biển" - Ông đáp bừa cho qua chuyện. "Biển là gì sao không cho má về với con?". "Biển lớn gấp triệu lần con sông Cái cạnh nhà mình". Nó phụng phịu: "Vậy thì con ghét biển nhất trên đời". Ông cười mà nước mắt lăn dài khi nghe từ miệng con thốt ra ba chữ "nhất trên đời" ngộ nghĩnh.
    Và thật sự đứa con gái ông ghét biển. Có lẽ đó là sự ám ảnh từ buổi đầu ông đã vô tình nói biển không cho mẹ nó trở về. Lên năm lớp Chín, đậu học sinh giỏi toàn quốc, tỉnh đài thọ một chuyến đi Vũng Tàu nhưng nó cương quyết không đi. Ông hỏi vì sao. Nó chỉ đáp gọn lỏn: "Ghét!", rồi nó lẳng lặng bỏ đi về phía sông Hàm Luông và ngồi hàng giờ ở đó.
    Văng vẳng từ khu vườn dừa có tiếng gà gáy rộ. ánh sao Mai trên bầu trời giờ như đang lịm đi. Ông lão kéo sợi dây vàm cho đôi bò đi sát vào lề đường để tránh chiếc xe lam ngược chiều chạy vụt qua.
    "ở Sài Gòn, khi băng qua đường con phải nhìn trước ngó sau" - Ông lão kề miệng thổi tắt ngọn đèn dầu.
    Lụa nhún vai:
    "Lần đi nào ba cũng dặn".
    "Hồi con bị xe đụng ba còn sợ đến giờ".
    "Nhỏ khác lớn khác".
    "Xe cộ đâu phân biệt ai lớn ai nhỏ. Con còn nhớ thằng Hải không?".
    Lụa lặng im, không đáp.
    "Nó hỏi thăm về con luôn. Nó nói không biết chừng nào con học xong để trở về quê...".
    "Thôi mà ba...".
    Lụa mím môi, tỏ vẻ không hài lòng. Mấy năm gần đây, mỗi khi nghe cha cô hay một người quen nào đó vô tình nhắc đến cái tên ấy không hiểu sao cô cảm thấy bực bội một cách vô cớ, khác xa với cảm giác hồi cô học lớp Mười Hai. Viễn cảnh xa xưa về cuộc sống nơi miền quê êm đềm giờ như vỡ vụn trong cô, hay nói đúng hơn, là khi cô vừa đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn. Lần ấy cô đã bị choáng ngợp nhưng rồi sự choáng ngợ đó đánh thức một cái gì còn tiềm ẩn nơi cô. Nhiều khi đạp xe qua những ngôi biệt thự lộng lẫy, cô cứ để hồn mình chìm vào giấc mộng giàu sang. Mới đầu, cô ân hận vì sự thay đổi chóng vánh của tâm hồn mình nhưng riết rồi cũng quen đi. Nó dần dần ngấm vào máu, vào tim. Cho đến một ngày, khi ngồi ngẫm nghĩ về miền quê có hình bóng cha già và mái nhà dột nát, cô choáng người khi biết trong cô le lói nỗi sợ hãi những con đường làng vào mùa mưa nhớp nháp sình lầy và những mảnh ruộng khô cằn vào mùa nắng. Cô về thăm quê thưa thớt dần theo từng năm học. Cũng có lúc, cô cố mường tượng đến gương mặt thân yêu một thời của Hải nhưng rồi cô lắc đầu chán ngán vì gương mặt ấy giờ như một vật gì đó nhạt nhòa trong làn sương hư ảo.
    Ông lão len lén ngắm nhìn luồng suy nghĩ đang thay đổi trên gương mặt cô con gái. Nó giống mẹ như đúc, từ sống mũi dọc dừa cho đến đôi môi chúm chím như lúc nào cũng giận hờn. Nó chỉ giống ông ở một điểm, đã thích cái gì là làm cái ấy. Ông thở dài. Tính khí đó đã làm cho tuổi già của ông rơi vào sự cô độc, ít bạn bè thăm viếng, thậm chí có lúc ông không còn biết mình là ai nữa.
    Một chiếc máy cày hụ inh ỏi khi băng ngang đường khiến đôi bò lồng lên sợ hãi. Vừa ghì sợi dây vàm, ông vừa lầm bầm:
    "Mẹ họ!".
    "Đã nói để con đi xe lam" - Lụa cằn nhằn - "Ngày nào cũng đi vầy sao ba chịu nổi? Con nói ba cứ bán xe đi rồi ở nhà".
    "Để ba tính lại".
    "Lúc nào cũng tính lại, tính lại. Con cần một chiếc gắn máy để đi làm mà ba không lo vậy mà lúc nào cũng nói cưng con".
    "Thì mọi thứ cũng để dành cho con chứ cho ai nữa?".
    "Ba để cho ba đi, con không cần. Con thì con nhất quyết không về đây làm, nói gì cái chuyện làm ruộng".
    Ông lão cười méo xệch. Buồn rầu, ông nói lảng qua chuyện khác:
    "Chiều qua con không ra thăm. Cây me tây con trồng hồi con học lớp Sáu nay tàn nó lớn và mát lắm. Thằng Hải...".
    "Cây đó giòn, ba liệu mà đốn đi!" - Lụa cướp ngang lời ông - "Lúc nào cũng Hải, Hải...".
    Chiếc xe chậm chạp leo lên dốc cầu. Đôi bò thở phì phò. Lụa ra chiều không thèm trò chuyện với cha. Cô để mắt vào dãy hàng quán với những thứ hàng hóa sặc sỡ. Còn ông, bị cô con gái làm cho cụt hứng, ông tiu nghỉu ngắm dòng sông ngoằn ngoèo qua những cánh đồng và những mảnh vườn, trải dài vô tận. Con sông thời trai trẻ của ông đó ư? Con sông mà hồi chiến tranh hằng đêm ông phải bơi qua bơi lại để làm nhiệm vụ của một anh giao bưu. Hồi đó, có bao giờ ông để ý đến nó đâu vậy mà khi đã ở vào tuổi xế chiều, nó luôn hiển hiện mồn một trước mắt ông khiến ông đau xé cả ruột gan. Ông nhớ từng mảng lục bình tả tơi vì đạn pháo trôi lững lờ trong những ngày mưa tầm tã, nhớ cô gái điện báo viên có cái lúm đồng tiền mà ông yêu bị giặc bắn bên kia sông... Và lần đó ông đã suýt chết vì bọn giặc rút đi còn gài quả lựu đạn dưới xác cô gái ấy.

    Thẫn thờ, ông lão lôi ra bì thuốc Mỏ Cày và vấn một điếu.
    "Ba cứ hút thuốc hoài. Hút nhiều bệnh cho coi!".
    "Biết rồi. Buồn mà...".
    "Còn nữa. Ba đừng la cà uống cà phê ở quán bà Năm, người ta đồn!".
    "Đồn sao? Bà ấy là đồng đội cũ của ba chứ có gì đâu?".
    "Đồng đội đồng đoàn gì con không biết".
    Ông lão mỉm cười, tay xoa nhẹ lên đầu cô con gái:
    "Con khó tánh giống y như má con vậy".
    Lụa nép vào người ông, bẽn lẽn:
    "Thím Hai Lân kể hồi đó má con đẹp nhất vùng, phải không ba?".
    Ông lão gật đầu. Lụa tỏ vẻ hí hửng:
    "Hôm ra nhà nhỏ bạn ở Long Hải, mẹ nó cứ ngồi ngắm con và khen con hết lời. Bả nói nếu bả có con trai bả nhất định phải bắt cho được con về làm dâu. Với con thì còn khuya. Nhà bả không khá giả gì, ai dại...".
    ***
    Giờ thì ông lão đang đứng kiễng chân lên thành xe, dáng người nhỏ thó. Ông nheo nheo mắt, cố dõi theo bóng cô con gái hòa lẫn vào dòng người xuống cầu phà trong tiếng la ơi ới của khách bộ hành và những người lơ xe. Những tia nắng buổi bình minh bắt đầu nhảy nhót trên mái tôn của dãy hàng quán xập xệ. Trong phút chốc, bóng cô gái như biến mất phía bờ sông. Ông lão có cảm giác rằng đứa con gái ông lúc nào cũng bé bỏng giữa cuộc đời đầy hối hả và quá bao la này.
    "Ông già điên hay sao mà để bò "ị" ra trước chỗ bán buôn của người ta?" - Một giọng đàn bà quát lên the thé.
    Vẫn đứng đó như trời trồng, ông lão không hay nước mắt mình ứa ra tự khi nào. Ông chợt nghe như đâu đó, vừa mới đây thôi, đứa con gái ông còn níu lấy tay ông. Hai cha con bước thấp bước cao trên con đường làng trong cái ngày ông đưa con vào lớp Một.



Vũ hồng

Read more…