Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống

Monday, May 28, 2012 |

Người dẫn chương trình giơ cao một ly nước và hỏi khán giả:

- Quí vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?

- Điều đó còn phụ thuộc vào anh cầm nó trong bao lâu chứ.

- Đúng vậy, nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quí vị sẽ gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta cũng gục ngã. “Điều quí vị phải làm là đặt ly nước xuống, nghỉ một lát rồi tiếp tục cầm nó lên.”

Thỉnh thoảng chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Khi bạn trở về nhà, hãy quẳng lo âu về công việc ngoài cửa. Ngày mai bạn sẽ nhặt nó lên và tiếp tục mang. Còn bây giờ: Giải trí và thư giãn

Nguồn: Sưu Tầm

Read more…

Sợi dây tình yêu....!

Sunday, May 27, 2012 |
Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.

Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.

Phật dừng lại, hỏi nhện: "Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?"

Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: "Thế gian cái gì quý giá nhất?"

Nhện suy ngẫm, rồi đáp: "Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!". Phật gật đầu, đi khỏi.

Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.

Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: "Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?"

Nhện nói: "Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là "không có được" và "đã mất đi" ạ!"

Phật bảo: "Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi."

Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.

Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: "Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?"
Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: "Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi."

Phật nói: "Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!"

Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.

Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.

Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.

Châu Nhi nói với Cam Lộc: "Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?"

Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: "Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?". Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.

Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.

Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: "Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới n
àng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi." Nói đoạn rút gươm tự sát.


Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: "Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.

Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?"

Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: "Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"

Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm...

Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?

"Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"

Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.

Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có "duyên" là đủ.
Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.

Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.
Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ. Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?

Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá!


St
Read more…

Cha đã quên

Friday, May 18, 2012 |

Con trai yêu quý, con hãy nghe những lời ân hận của cha đây. Cha đã lẽn vào phòng con khi con đang chìm vào giấc ngủ trẻ thơ. Nhìn kìa, một tay con đặt dưới gò má, những lọn tóc hung đẫm mồ hôi bám chặt vào vầng trán ẩm ướt. Chỉ cách đây vài phút thôi, khi cha ngồi trong phòng đọc sách và xem lại bài viết của mình, nỗi hối hận dâng ngập hồn cha. Và cha đã chạy đến phòng con để nói lời xin lỗi.

Con ơi, cha đã tức giận, quát mắng khi con cầm khăn lau mặt qua quýt trong lúc thay quần áo đi học, lúc con để đôi giày dơ bẩn hay thấy con vức vật dụng lung tung trong nhà. Cha luôn châm châm nhìn thấy toàn là lỗi lầm của con. Buổi sáng cha thấy con không ngăn nắp khi ngủ dậy, lại còn ăn uống vội vàng và lấy một lúc quá nhiều thức ăn vào đĩa. Vì chỉ nhìn thấy lỗi lầm nên khi con chào cha xin phép ra ngoài chơi, cha chỉ cau mày và trả lời cộc lốc không chút thiện cảm:“Hừm! liệu mà về sớm đấy!”.

Buổi chiều, cha cũng tức giận với những sơ suất của con. Khi thấy đôi vớ của con rách, cha đã làm con phải mất mặt trước bạn bè khi lôi con về nhà. Con thật sự đã làm cha rất giận dữ vì đã không tiết kiệm, không chịu giữ gìn những món đồ mà cha đã phải vất vả làm việc dành dụm mua cho con.

Khi cha đang đọc báo, con rụt rè bước tới ngước nhìn cha với ánh mắt ngây thơ trong sáng, cha lại quát lên: “Mày muốn cái gì?”. Và trái tim cha đã xúc động biết dường nào khi con chỉ im lặng chạy đến, vòng tay bé bỏng ôm cổ cha thật chặt với tất cả yêu thương trìu mến rồi lại chạy biến thật nhanh ra ngoài.

Con thương yêu!

Con có biết không, tờ báo đã rời khỏi tay cha trong yên lặng và một nỗi sợ lẫn đau xót ngẹn ngào xâm chiếm cõi lòng cha. Cha đã làm gì thế này? Cha đã biến mình thành một người cha suốt ngày chỉ xăm soi tội lỗi của con mình. Một người cha chỉ toàn kiếm cái xấu của con mình để chê trách và đây là phần thưởng mà cha dành cho con như một đứa trẻ ư? Cha chỉ muốn con phải thế này thế nọ, cha chỉ muốn con phải cư xử như người lớn. Cha đã đo con bằng cây thước dành cho một người trưởng thành, bằng cả những năm tháng tuổi đời và sự trải nghiệm già dặn của cha.

Con yêu của cha!

Trong khi cha nhìn con bằng đôi mắt già cỗi và muộn phiền, đầy thành kiến, soi mói ấy, cha chẳng thèm biết đến những cái tốt, điều hay và sự chân thành, hồn nhiên trong tư chất của con. Trái tim nhỏ bé của con nồng ấm và to lớn như ánh rạng đông đang tặng bao tia nắng ấm cho ngọn đồi bao la. Con đã hồn nhiên lao vào hôn chúc cha ngủ ngon mà không hề vướng bận việc cha đã la mắng con cả ngày và hằn học với con vì những lý do không chính đáng.

Con thương yêu!

Cha không thể đợi thêm nữa. Cha phải nhanh chóng bước đến bên con, quỳ xuống cạnh chiếc giường nhỏ bé và nhìn khuôn mặt thơ ngây của con trong giấc ngủ với một niềm ân hận vô cùng. Có thể, con còn quá bé bỏng để hiểu nhưng cảm xúc đang tràn ngập lòng cha. Cha hứa với con, ngay từ giây phút này, cha sẽ trở lại là người cha đích thực và luôn biết trân trọng tình yêu của con ngay cả trong giây phút nóng giận bừng bừng. Cha sẽ là người bạn trung thành của con, sẽ đau khổ khi con gặp bất hạnh, sẽ cười vui khi con gặp may mắn sung sướng. Cha sẽ cắn chặt môi để không thốt ra những lời gắt gỏng mỗi khi con quỷ giận dữ trỗi dậy trong lòng cha. Cha sẽ tự bảo mình rằng con vẫn còn bé bỏng.

Ôi, hình như cha đã nhìn đứa con thơ dại của cha như nhìn một con người trưởng thành thật sự. Giờ đây, nhìn con cuộn mình trong chăn và mệt mỏi ngủ yên trên chiếc giường bé xíu, Cha chợt nhận ra rằng con chỉ là một đứa trẻ thơ ngây. Sáng sáng, con vẫn nũng nịu trong vòng tay trìu mến của mẹ. Mái tóc tơ mềm mại của con còn vướng víu trên bờ vai mẹ, cần được che chở trong cảm giác được yêu thương. Vậy mà, Cha đã đòi hỏi ở con quá nhiều…..

Read more…

Tội đồ bất đắc dĩ

Wednesday, May 16, 2012 |
Chiếc ô tô buýt chật ních người. Nhưng giữa đám người chen chúc ấy vẫn nổi bật lên một vị khách mà thoáng trông cũng biết ngay là đi nhầm xe. Chỗ của ông ta lẽ ra là trong xe cấp cứu mới phải. Vì tay trái ông ta bị buộc treo lên vai bằng một dây vải trắng, đầu thì băng bó chằng chịt, một mắt thì sưng húp lên, còn mắt kia thì thâm tím khắp xung quanh. Một tay bám lấy thanh vịn, ông khách vừa cố xoay xở tìm cách đứng cho thuận tiện, vừa rên rỉ luôn miệng. Thấy vậy, một hành khách đang ngồi tỏ ý thương hại, đứng dậy nhường chỗ cho ông ta.

- Cám ơn ông! - Ông khách mình đầy thương tích rên rỉ nói.

- Ủa! Bác Xenman đấy à? Thế mà tôi không nhận ra! - người khách vừa đứng dậy nhường chỗ kêu lên - Bác bị làm sao thế này? Ðứa nào đánh bác hay sao mà mặt mày thâm tím hết cả lên thế kia?

- Bác Xaraphettin đấy à? Chào bác! Chà, bác hỏi làm gì cho tôi thêm buồn... Cái thân hình tôi nó thế này đã hai tháng nay rồi...

- Rõ khổ! Thế nhưng bác làm sao vậy?

- Lạy Chúa! Xin người thương xót con! Con hoàn toàn kiệt sức mất rồi...

- Thế các đốc-tờ bảo thế nào ạ? Bác bị bệnh gì vậy?

- Ôi dào! Ðốc-tờ mà làm quái gì! Ðốc-tờ cũng chả chữa được bệnh của tôi... Lạy thánh Ala! Sao người lại bắt con chịu cái cực hình như thế này! Mà lại không bắt các kẻ thù của con phải chịu!... Ôi, khắp người tôi đau như dần, đến chân tay cũng không cử động nổi nữa!

- Nhưng dù sao bác cũng phải đi bệnh viện cho đốc-tờ họ khám xem thế nào chứ!

- Bệnh viện gì! Ðến nhà thương điên thì có! Chẳng giấu gì bác, tôi bị mắc một cái bệnh truyền nhiễm!...

Nghe nói thế, Xaraphettin bỗng lùi hẳn người lại.

- Chết! Thế sao bác còn đi ra phố làm gì?

- Chao ôi! Nói thì dễ đấy, nhưng nào có ngồi nhà được cho cam! Tôi bị lây cái bệnh thằng con tôi mất rồi...

- Thế cậu nhà cũng bị ạ?

- Nó còn bị nặng bằng mấy tôi ấy chứ! Bệnh của nó đã thành mãn tính rồi. Tôi bây giờ cũng vậy. Có mỗi cái trường phổ thông mà nó không làm sao tốt nghiệp được! Năm lớp 9 đã bị đúp rồi, lên lớp 10 cũng lại thế nốt! Mà cũng chỉ tại cái trò bóng bánh chết tiệt! Ðã bao nhiêu lần tôi lạy van nó, bảo: "Mày quăng ngay cái trò bóng bánh khốn nạn ấy đi cho tao!" Nhưng nó lại trả lời tôi: "Con không quăng được!". Nó tự huỷ hoại cái thân xác nó thật là ghê gớm. Ðến nỗi tôi với mẹ nó không còn dám nghĩ đến chuyện mong cho nó học giỏi nữa, mà chỉ lo làm sao cứu vãn lấy tính mạng của nó mà thôi! Mỗi lần đi đá bóng về trông nó cứ như vừa đi đánh giặc vậy! Ðội ơn thánh Ala! Bây giờ nó đã bị gãy chân trái rồi, nên không đá bóng được nữa. Thấy nó bị gãy chân, tôi sung sướng quá, vì không thế thì thể nào có ngày nó cũng bị người ta đánh chết. Ôi, xin Chúa hãy tha thứ cho chúng con! Tôi và mẹ nó thường bảo: "Thôi cho nó gãy chân cũng được! Chỉ cốt sao nó thoát khỏi cái bệnh truyền nhiễm ấy mà còn sống là may rồi!" Nhưng từ khi bị gãy chân, nó lại quay sang mê xem đá bóng quá thể! Hôm nào có đá bóng thì có trời mà giữ được nó ở nhà! Ðá ở đâu nó cũng mò đi xem cho bằng được. Ðá ở Ăngcara là nó nhảy đi Ăngcara, đá ở Iđơmia là nó tếch đi Iđơmia! Nhưng cái chuyện nó cứ đi đi về về như con thoi ấy cũng chưa hẳn là nhục! Nhục nhất là mỗi lần đi về trông nó lại phờ phạc không còn ra hồn người nữa! Chân đứng không vững, giọng thì khản đặc lại! Có đến hàng bao nhiêu lần tôi bảo nó, là đừng có la hét như điên ấy cho nó khản tiếng ra. Nhưng nó bảo tôi: "Bố chỉ được cái ngồi nhà mà nói! Bố cứ thử ra sân mà không la hét xem nào!"... Có hôm nó đi xem về thế nào mà đầu vỡ toác ra, còn hôm khác thì mũi bị giập nát và mắt thì sưng húp lên. Giá bảo nó còn đá bóng như hồi xưa mà bị như thế thì khả dĩ còn hiểu được, chứ đằng này nó chỉ xem người ta đá thôi cơ mà!... Nhưng nó lại cãi: "Ai đi xem mà chẳng phải đánh nhau! Bố cứ thử ra đấy mà ngồi im xem nào!" Có lần chúng tôi phải đến bốt cảnh sát để nhận nó về. Những người đi xem đá bóng đánh nhau dữ quá, cảnh sát phải giải tất cả về bốt. Có đến hai lần chúng tôi phải khiêng nó từ xe cấp cứu xuống!

"Trời ơi! Sao con không thương xót lấy cái thân con một chút, mà lại đi huỷ hoại nó thế hở con?", tôi nói với nó như vậy. Nhưng nó bảo rằng tuy cũng biết thế, nhưng nó không làm thế nào được! Nghe nó trả lời như vậy mà tôi thấy điên tiết! Tôi bèn bảo nó: "Thôi được! Hôm nào mày dẫn tao đi với mày để tao xem cái trò bóng bánh của mày nó như thế nào?"

Và thế là tôi đi với nó đến sân vận động Mitkhatpasa. Trận đấu bắt đầu. Lẽ cố nhiên, lúc bắt đầu tôi chưa cổ vũ cho đội nào cả. Ðội nào thắng hay thua đối với tôi cũng thế cả thôi. Tôi cứ ngồi quan sát khán giả và cười một mình. Bất ngờ, có một quả sút vào lưới y như một mũi tên. Cú sút thật là tuyệt vời! Chính mắt tôi được nhìn thấy! Nhưng lão trọng tài ăn gian không cho tính điểm. Tôi tức không chịu được. Thấy mọi người "ê" trọng tài, tôi cũng bắt chước "ê!... ê!..." rõ to. Bỗng tôi nghe thấy có ai bảo trọng tài không cho ăn quả ấy là đúng. "Không đúng! - tôi cãi lại - Quả ấy sút rất đẹp! Nhưng trọng tài ăn gian! Ðúng là lão ta ăn đút lót rồi!" Gã kia bảo tôi: "Ðồ con lợn! Mày có biết có những cú sút như thế nào không hả?" Tôi bảo hắn rằng bố hắn là đồ con lợn thì có! Vì mới đi xem lần đầu, nên tôi đâu có biết tính tình của cái dân ham mê đá bóng. Thế là chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị hắn thoi cho một quả bằng trời giáng, ngã quay ra đất. May mà có những người ngồi bên cạnh can được, chứ không thì tôi đã no đòn với thằng cha ấy rồi! Còn ông con tôi thấy tôi bị đánh cũng chả thèm để ý gì cả, cứ mải xem và luôn mồm kêu: "Xem kìa! Sắp tung lưới nữa đây này!"

Kể từ lúc đó, cái đội mà tôi bị ăn đòn vì nó, bỗng trở thành cái đội yêu mến của tôi. Bây giờ mỗi khi bóng đến chân các cầu thủ đội này là tôi không ngồi im được nữa. Tay tôi bắt đầu vung lên, như chuẩn bị đánh nhau vậy. Còn chân thì đá tứ tung không còn biết vào đâu nữa. Giá lúc này bóng mà rơi vào chân tôi, thì có lẽ nó phải bắn tít lên tận mặt trăng chứ chả chơi! Vung vẩy chân thế nào, tôi đá bốp một cái vào giữa lưng cái ông ngồi trước. "Ấy chết, xin lỗi bác!" Tôi vội nói, nhưng ông ta đáp lại với cái giọng của một người hiểu biết: "Không hề gì! Chuyện ấy là thường!". Một lúc sau thì chính tôi lại bị một cú đá vào lưng nảy đom đóm mắt. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng ở trên sân vận động thì không cái gì là không thể xảy ra được!

Những cú đấm, cú đá, cú huých từ bốn phía cứ thế thỉnh thoảng lại giáng vào đầu, vào lưng. Nhưng cũng chẳng ai thèm để ý làm gì! Ấy là lúc mọi người đã ham xem quá mất rồi! Bóng ở tít tận ngoài sân cỏ, mà mình ngồi đây, cứ anh bên cạnh mà sút thật lực. Mà lạ cái lúc ấy cũng chẳng ai thấy đau cả. Sau đó... bác Xaraphettin ạ, đội của tôi lại sút tung lưới một quả nữa, nhưng thằng cha trọng tài lại không cho ăn. Lần này thì tôi không còn nhịn được nữa. "Ðuổi cổ trọng tài ra sân!" Tôi gào lên như điên, không còn biết gì đến xung quanh nữa! Chân tay tôi run cả lên. Bên cạnh tôi là một ông bán nước chanh. Tôi cứ vớ lấy những chai nước của ông ta mà ném vào lão trọng tài. May mà đó là những chai nước chanh, chứ không phải lựu đạn!... Chẳng ai còn buồn nhìn ra sân cỏ nữa, người nào cũng quay sang choảng nhau loạn xạ. Tôi túm được cổ một thằng bé và cứ thế bóp làm nó suýt nghẹt thở. Thật đúng vô tình mình có thể trở thành kẻ giết người là vì thế! Khốn nạn cho thằng bé, nó cứ gào lên, bảo rằng cũng ủng hộ cái đội của tôi. Tôi vừa buông thằng bé ra thì có một thằng cha cao lêu đêu bỗng vật ngửa tôi ra mà đè lấy đè để. Tôi kêu to gọi thằng con tôi, nhưng cái thằng giời đánh còn đang mải nện nhau với lão trọng tài ở trên sân. Tôi gọi cảnh sát, nhưng cảnh sát cũng đang choảng nhau. Cả khán giả lẫn cầu thủ cũng đang đấm đá nhau túi bụi. Thôi được, để tôi hỏi cái thằng cha đang đè lên người tôi xem hắn cổ vũ cho đội nào? Té ra hắn cũng cổ vũ cho đội của tôi! Phải khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi đôi chân gọng kìm của hắn, vì hắn ghì tôi chặt quá, sợ để tôi thoát ra thì không tìm được ai để đánh.

Mãi một lúc sau, mọi người mới trở về trật tự, và trận đấu mới lại tiếp tục được. Ðể cổ vũ các đấu thủ, bây giờ, bắt chước mọi người, tôi cũng bắt hét to: "Hoan hô! Hoan hô!" Hét được một lúc thì giọng tôi khản đặc lại. Tôi bèn quay sang gõ vào cái hộp sắt tây của ông ngồi đằng trước. Ông này mang cái hộp đi cũng là để cổ vũ các cầu thủ. Nhưng đến khi trên sân hai cầu thủ bỗng xông vào nhau đấm đá túi bụi, thì cảnh tượng mới thật là hỗn loạn. Tôi bị một thằng cha nào đó tung bổng lên cao. Thú thật, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể bay cao đến thế! Sau đó... sau đó thế nào thì tôi không hay biết gì nữa! Chỉ biết lúc tỉnh lại thì đã thấy mình đang nằm trong nhà thương.

- Thế là suốt từ hôm đó bác vẫn chưa bình phục được? -Xaraphettin hỏi.

- Vâng, vì đến chủ nhật sau tôi lại đến sân vận động. Chả là đội của tôi chơi mà! Làm sao mà ngồi nhà được! Nói thì dễ đấy, nhưng hôm ấy cứ thử ngồi nhà xem có được không? Có mà lấy dây thừng trói chân anh lại, thì anh vẫn cứ chuồn đi được! Ôi, sao mà người tôi đau thế này!...

Bỗng từ cánh tay băng bó của Xenman có một vật gì rơi ra.

- À, cái hộp sắt tây đấy mà! Ðể tôi gõ vào nó khi nào không thể gào được nữa - Xenman cắt nghĩa cho tôi, khi tôi nhặt chiếc hộp đưa cho bác ta.

Ô tô dừng lại, Xenman đứng dậy, rên rỉ nói:

- Thôi chào bác, bác Xaraphettin!

- Không dám, chào bác! Bây giờ bác đến khám đốc-tờ chứ?

- Ấy chết! Trận hôm nay mà bỏ thế nào được! Chà! Lạy Chúa! Chỉ mong sao cho tôi đừng đến muộn! 
Read more…

Phiên Tòa Xử Nghiêm Minh Và Cảm Động Nhất

Saturday, May 05, 2012 |


(Đây là một câu chuyện có thật xảy ra tại một tòa án ở Indonesia)
Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản.
Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah.
Lời bào chữa của bà, lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.
Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.
Thẩm phán thở dài và nói:“Xin lỗi, thưa bà…” Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ
“Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh.
Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn.
Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”
Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo.
Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý.
Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupiah.
Bởi vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”
Nói xong, ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”
Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng.
Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.
Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết.
Bởi vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.
(st) 
Read more…