Khi kinh tế phục hồi, vài điều không nên quên...
Thursday, September 27, 2012
TTCT - Có thể nói cuộc suy thoái kinh tế hiện nay là một kinh
nghiệm đầu đời đối với nhiều người kinh doanh Việt Nam, do mức độ hội nhập của
nền kinh tế so với thời suy thoái châu Á (1997-1998) hay vỡ bong bóng công nghệ
năm 2001.
Đây là cú sang chấn khá nặng vì nhiều nguyên nhân: chưa có kinh
nghiệm phòng vệ, va đập ở cả mức độ toàn cầu lẫn địa phương, và vì lần đầu tiên
người Việt vừa có cơ hội giàu thật nhanh, rồi nghèo đi cũng thật nhanh.
Nhưng bản chất của kinh tế là dao động chu kỳ, tức xuống đến mức
nào đó thì sẽ phục hồi để đến một đỉnh dốc mới. Chúng ta đã học được gì để
chuẩn bị cho một chu kỳ mới?
Bất động sản không phải là...bất tử
|
|
Nhà chiến lược tài
chính Barton Biggs (1932- 2012) từng khuyên giới đầu tư bán các công ty công
nghệ ngay khi phồn vinh nhất nhưng họ đã không lắng nghe, cho đến khi bong
bóng công nghệ vỡ... - Ảnh: Bloomberg
|
Một
người bạn năm 2009 mua một biệt thự tại khu đô thị hàng đầu Sài Gòn với giá 2
triệu USD, tháng rồi cần tiền làm ăn đành phải bán với giá 1 triệu. Giá nhà ở
khu đô thị này không xuống nhưng thanh khoản không có, đành phải bán với giá mà
thị trường không mua thì tiếc mới “giải” được căn nhà. Chủ nhà mất 20 tỉ đồng
cho vụ đầu tư này.
Một người khác có miếng đất 5.000m² đắc địa tại Đà Lạt, năm 2009
có người chịu mua giá 23 triệu đồng/m², trị giá đúng 5.000 lượng vàng (giá vàng
lúc ấy 23 triệu đồng/lượng). Giờ đây để thu hồi vốn làm ăn chỗ khác, đưa giá
bán 15 triệu đồng/m², chỉ còn tương đương 1.600 lượng vàng, mà vẫn chưa có
người mua. Chủ đất mất 3.000 lượng vàng cho vụ chờ đợi này.
Tại sao chuyện này xảy ra? Đó là quan niệm “bất động sản... bất
tử”, chỉ có lên chứ không bao giờ xuống vốn là tâm lý chủ đạo trong thời cực
thịnh vừa rồi. Khi điều kiện bình thường trở lại, chúng ta đừng bao giờ quên
bài học này nữa. Nói... “nữa” là vì nó từng xảy ra, bất động sản tạo ra đại gia
và cũng hủy hoại đại gia rất nhanh.
Từ trước năm 1975, nền kinh tế miền Nam cũng đã bùng nổ giàu có và
tạo ra nhiều nhà tư sản nhờ xây building cho Mỹ thuê khi bộ máy chiến tranh của
cả phương Tây đổ đến miền Nam, ngay sau ngày Mỹ rút hồi năm 1972, nhiều đại gia
đã bắt đầu bị lao đao và tất cả kết thúc vào tháng 4-1975. Sau thời điểm này,
nhà cửa ở Sài Gòn cho không cũng chẳng ai nhận. Rồi 20 năm sau đó, đợt bùng nổ
địa ốc đất đai lần thứ nhất diễn ra giữa thập niên 1990 đã tạo ra nhiều đại gia
và cũng chính nó đưa Minh Phụng đến pháp trường.
Chứng khoán, “game” của dân chuyên nghiệp
Tiến sĩ kinh tế
người Mỹ Nouriel Roubini từ năm 2006 đã tiên đoán cuộc sụp đổ kinh tế hiện
nay. Ông cảnh báo: “Giai đoạn bùng nổ của Mỹ 25 năm qua dựa trên bóng bóng
nhà cửa và tín dụng đã chấm dứt. Chúng ta đã trải qua bong bóng bất động sản,
bong bóng công nghệ, bong bóng nhà ở, bong bóng giá dầu, ngay cả bong bóng
giá các tác phẩm nghệ thuật... và tất cả đều vỡ tan. Giờ chẳng còn gì để thổi
lên nên cần phải quay lại với phát triển bền vững và phi bong bóng”.
|
Cuối
năm 2005, một ông bạn hiền lành chẳng biết làm ăn gì, có vợ là nhân viên cũ của
một công ty vàng bạc, nhân cổ phần hóa công ty mấy người quen cũ được chia cổ
phần, do cần tiền ăn tết nên bán lại, ông bạn mua giúp với giá 300 triệu đồng,
chỉ sau tết giá trị của số cổ phiếu ấy lên 3 tỉ. Bắt đầu từ những câu chuyện
như thế, bong bóng chứng khoán bùng nổ. Người ta chẳng hiểu vì sao năng suất
lao động không tăng, thị trường và thị phần không thấy mở rộng, công nghệ mới
không có, trình độ quản lý, hợp lý hóa sản xuất không thay đổi... vậy mà cổ
phiếu của các công ty Việt Nam nóng như Apple khi tạo ra iPhone vậy.
Bây giờ thì ta đã hiểu, đó là bong bóng ảo, chỉ số VN-Index được
bơm tăng vọt từ 200-300 điểm lên đến 1.200 điểm và sau đó rơi xuống có loại rẻ
hơn một bó rau.
Dĩ nhiên, ai cũng biết chứng khoán là một cuộc chơi đáng nể, một
công ty nghiên cứu tài chính ở Chicago là Ibbotson Associates đã cho thấy: “Nếu
vào năm 1926, một người bỏ 1.000 đôla mua trái phiếu chính phủ và cứ để thế cho
lãi gộp chồng lên và một người khác dùng 1.000 đôla chơi chứng khoán, mua khi
nó xuống, bán khi nó lên, xoay xở nhanh, thì 80 năm sau, tính đến năm 2007,
người mua trái phiếu, chơi kiểu chắc ăn, từ 1.000 đôla sẽ thành 3 triệu đô. Còn
người chơi chứng khoán linh hoạt, giỏi thì 1.000 đôla sau 80 năm sẽ là... 30 tỉ
đôla.
Nhưng phải hiểu đây là cách nói của dân chơi chứng khoán thuộc
loại cá cược siêu hạng và chuyên nghiệp. Rất nhiều người Mỹ chơi chứng khoán
kiểu tay trái (daily trader) đã tiêu tan tài sản hồi khủng hoảng công nghệ năm
2001. Chứng khoán từ lâu đã thoát ly hoàn toàn với sản xuất và kinh tế thật, nó
là một kiểu game. Cho nên nó là cuộc chơi không dành cho tay ngang.
Sản phẩm, sản phẩm và sản phẩm...
Một trong những vấn đề lớn nhất là sản phẩm. Thời bùng nổ kinh tế
vừa rồi dường như làm nhà kinh doanh nôn nóng, nó cũng cổ xúy cho khuynh hướng
“Ý tưởng là then chốt” (Idea is key), cả hai thúc đẩy nhà kinh doanh Việt nghĩ
là có ý tưởng hay thì có thể đưa vào thị trường và kiếm được tiền ngay. Cho nên
họ tạo ra các chuỗi quán ăn, cà phê có ý tưởng hay nhưng sản phẩm chưa kịp hoàn
thiện. Mà cái cốt yếu nhất trong kinh doanh là sản phẩm, sau đó mới là dịch vụ,
tiện nghi, sạch sẽ...
Ly cà phê phin kiểu “cái nồi ngồi trên cái cốc” thú vị thật, nhưng
nếu chỉ có thế mà mở cả một chuỗi cà phê thì không chắc ổn vì ai cũng có thể mở
một quán như thế, phải sáng tạo cả mấy chục loại cà phê như Coffee Beans và đổi
mới liên tục thì mới mong giữ khách lâu dài và đi vào thói quen uống của mọi
người. Cũng vậy, chúng ta sẽ hoa mắt khi vào các tiệm bánh Tous Les Jours,
BreakTalk... đa dạng, chất lượng và luôn đổi mới.
Về câu chuyện tô phở, chủ tiệm Phở 2000 nơi tổng thống Bill
Clinton đến ăn trưa khi thăm Việt Nam, từ nhiều năm trước đã phải chấp nhận
dừng phát triển chuỗi cửa hàng của mình lại còn ba quán, tâm sự: “Nấu một nồi
phở ngon đã khó nhưng nấu cả thùng phở lớn cho hàng chục cửa hàng rải rác là
cực khó, vì nước phở nguội là đổi vị mà hâm hoài thì mặn, nước nấu phở sẽ khác
khi dùng nước máy thay vì nước tự nhiên, rồi bánh phở, rồi hàng chục loại thịt:
tái - nạm - gân...Theo tôi, món này khó trở thành một loại fastfood hay sản
xuất hàng loạt lắm”.
Đó là lý do mà các tiệm phở có tiếng từ mấy chục năm nay như Phở
Pasteur, Phở Khu phố 4 chẳng bao giờ dám mở một cửa hàng thứ hai và chuỗi Phở
Hòa một thời nổi danh ở Mỹ cũng dần phải thu xếp lại.
Cho nên, trong cuộc chơi kinh doanh thời hồi phục kinh tế sắp tới,
có lẽ phải học được bài học quá bốc của người đi trước và quay về với những
châm ngôn mà người ta học được ở các trường kinh doanh hàng đầu: “Make it real,
make it simple, make it affordable” - Phải làm cho sản phẩm mình là đồ thật,
làm cho nó đơn giản để kiểm soát được chất lượng và làm cho nó hợp túi tiền...
Nhiều trường hợp chúng ta chỉ dừng lại ở ý tưởng mà quên mất sự
thực hành, và đỉnh cao nhất của thực hành là sản phẩm. Sản phẩm phải cụ thể,
độc đáo và xuất sắc thì mới hi vọng trụ lại được lâu dài trên thương trường.
Nghề thổi bong bóng để làm giàu
Sau cùng, cái bẫy lớn nhất trên thương trường là xu thế phát triển
theo kiểu thổi bong bóng. Làm ăn kiên trì, chu đáo, lợi nhuận khiêm tốn nhưng
đúng đắn không còn thỏa mãn thế hệ muốn làm giàu cực nhanh của thời đại mới
trên toàn cầu. Họ muốn lợi nhuận thật lớn, thật nhanh và cách duy nhất là
phải...thổi bong bóng phát triển của một ngành nghề nào đó để tạo ra các tăng
trưởng chóng mặt. Dĩ nhiên bong bóng dễ thổi để phình lớn nhanh nhưng kết thúc
bao giờ cũng là vỡ tan.
Nhà phân tích tài chính Barton Biggs của Mỹ đã chỉ ra cách phát
triển này và nói rõ: bây giờ khó thổi bong bóng lắm vì thị trường đã quá hiểu
về điều này. Ông nhắc lại câu nói của nhà kinh tế Keynes nổi tiếng: “Nguyên tắc
đầu tư cốt lõi là đi ngược lại với quan điểm của đám đông!” để cảnh giác tâm lý
bầy đàn thường giúp tạo ra bong bóng.
Cần nhớ rằng dân đầu tư sành sỏi luôn nhìn các cao ốc hoành tráng
xuất hiện là báo hiệu của bong bóng sắp vỡ, vì lịch sử đã chỉ cho họ các thí
dụ: tòa nhà Empire State Building ở New York khánh thành năm 1931 đúng vào lúc
Phố Wall sụp đổ tạo ra cuộc đại suy thoái Mỹ. Tòa tháp đôi Petronas ở Kuala
Lumpur khánh thành năm 1998 cùng lúc là cuộc sụp đổ tài chính châu Á.
Việc khánh thành tòa nhà kỳ vĩ Burj Khalifa ở Dubai đầu năm 2010 đi
liền với đợt suy thoái nghiêm trọng kéo dài bốn năm qua. Lý do là sự kỳ vĩ này
có được do đồng tiền rẻ đang được bơm ra, tinh thần lạc quan tếu quá đáng của
giới kinh doanh, tất cả sẽ kết thúc ngay khi vừa cạn ly champagne khai trương
các công trình này.
LƯU VĨ LÂN
Bài liên quan
Cảm ơn blog chia sẻ, rất hữu ích!
ReplyDeletehạt điều rang muối vietnuts