“Việc này, lẽ ra tôi đã... ”
Thursday, September 27, 2012
TTCT - LTS: Bắt đầu từ danh sách 20 điều muốn làm của bạn trẻ
người Đan Mạch Sofie Rye, diễn đàn “Những việc lẽ ra tôi đã phải làm...” đã thu
hút nhiều ý kiến khác nhau: có người tiếc nuối về những việc chưa kịp làm hoặc
đã không làm được thời trẻ, nhưng cũng có bạn trẻ ân hận vì những cơn lốc “tự
khẳng định” thiếu chín chắn đã khiến họ đốt cháy giai đoạn thanh xuân của quãng
đời mình.
TTCT kết thúc diễn đàn bằng tham vấn của hai chuyên gia tâm lý, xã
hội học.
1. Tôi tự hỏi không biết “những việc lẽ ra tôi đã phải làm”... là
gì.
Tôi nhắm mắt lại hồi tưởng: “Lẽ ra tôi phải kết hôn sớm hơn (vì
năm 41 tuổi tôi mới lập gia đình!), lẽ ra tôi phải viết luận án sớm hơn (vì 10
năm trời tôi mới xong luận án tiến sĩ!), lẽ ra tôi phải đi khám bệnh sớm hơn
(chỉ vì nghĩ là một cơn đau thông thường mà tôi đã không đến bệnh viện, cuối
cùng tôi phải mổ vì chứng viêm màng bụng), lẽ ra tôi phải bán cổ phiếu sớm hơn
(cổ phiếu lên giá thì phải bán, tôi lại chần chừ, thế là rớt giá), lẽ ra tôi
phải đi gặp cô bạn tôi sớm hơn (cô bạn tôi đơn độc quá gọi cho tôi, viện cớ bận
rộn tôi không gặp được, cuối cùng hay tin cô ấy nhập viện vì chứng trầm cảm),
lẽ ra tôi phải trả sách thư viện sớm hơn (vì tôi trả sách trễ nên bị phạt mấy
tháng trời không được mượn sách), lẽ ra tôi phải ủi quần áo (sáng dậy không kịp
ủi đồ, ăn vội miếng bánh và chạy lên giảng đường là chuyện thường ngày trong
học kỳ của tôi)...
Hàng núi chuyện kiểu thế này với tôi.
Có lẽ sống trên đời ai cũng đôi lần hối tiếc vì “Lẽ ra mình phải
làm việc đó sớm hơn...”. Tuy nhiên, giả sử chúng ta đã có thể làm hết tất cả
những việc lẽ ra phải làm như trên, thì có ai chắc là hôm nay chúng ta sẽ không
còn việc gì có thể gọi là “việc lẽ ra phải làm”? Không phải như vậy!
Thời gian thì hạn
định, mà ai trong chúng ta cũng luôn trong tình trạng phải chọn lựa một vài
thứ và từ bỏ một vài thứ. Bất cứ thời khắc nào trong cuộc đời chúng ta cũng
sẽ phát sinh cái gọi là “việc lẽ ra phải làm”.
|
2. Trong
kinh tế học có một thuật ngữ - opportunity cost (tạm dịch: chi phí cơ hội), đó
là chi phí để chỉ giá trị phải từ bỏ vì chọn một theo đuổi nào đó trong số các
theo đuổi có tính khả thi. Tức, với tôi, để hoàn thành luận án tiến sĩ, tôi đã
ngưng hẳn những tính toán cho một chỗ làm có giá trị.
Đặc biệt, thời gian thì hạn định, mà ai trong chúng ta cũng luôn
trong tình trạng phải chọn lựa một vài thứ và từ bỏ một vài thứ. Vì vậy, “chi
phí cơ hội” luôn tồn tại cùng chúng ta. Và như vậy, bất cứ thời khắc nào trong
cuộc đời chúng ta cũng sẽ phát sinh cái gọi là “việc lẽ ra phải làm”.
Nói vậy, mong các bạn đừng thất vọng ngay! Vì chính điều này giúp
chúng ta tìm ra giải đáp thích hợp hơn cho mỗi hoàn cảnh. Chính việc chúng ta
phải làm từ bây giờ sẽ tạo ra những “việc lẽ ra đã phải làm...” trong quá khứ.
Những việc phải làm khi còn nhỏ, trẻ sẽ giúp chúng ta phát hiện
lòng khát khao thực hiện một điều gì đó cho mình. Vậy ta phải phát hiện những
khát khao gì đây? Napoleon Hill (*) cho rằng xuất phát điểm để đạt đến thành
công là “lòng khát khao”, mà “lòng khát khao vô giá trị” sẽ sinh ra một “kết
quả vô giá trị”. Với một tia lửa leo lét thì chỉ tỏa được một lượng nhiệt yếu
tương ứng. Tuy nhiên, nếu cứ chạy theo giá trị hào nhoáng không vừa với sức
mình thì chẳng khác gì ta đang mặc áo của người khác vậy.
Hãy dành thời gian tĩnh lặng để tập trung khám phá xem mình đang
khát khao điều gì. Nếu ta không biết cách tìm ra đúng khát vọng thật sự của
mình và theo đuổi nó đúng cách thì biết đâu, mình sẽ đón tuổi già với bộ dạng
cô độc và tâm bệnh sức kiệt, chỉ vì một thứ dục vọng viển vông không giá trị.
3. Nếu đã biết rõ mình khát khao gì thì hãy nhìn lại mình bây giờ
và ở đây. Tâm lý học cấu trúc xem trọng kinh nghiệm “tức khắc khai ngộ” (tạm
dịch từ “immediate awareness”), vận dụng và biến đổi kinh nghiệm đó vào tình
huống hiện tại. Năng lực quyết định tồn tại ngay ở hiện tại. Hermann Hesse (**)
nói rằng con người phải dũng cảm tìm ra ngay những gì mình muốn có. Nếu không,
khát vọng đó sẽ nguội lạnh đi.
Nỗi khổ lớn nhất của đời người không phải từ bên ngoài mà trong
chính tâm người đó. Ta đã tìm ra khát vọng của mình chưa? Nếu rồi, hãy hành
động cho những khát vọng chính đáng của mình ngay từ bây giờ, tại đây, trước
khi khát vọng đó nguội lạnh đi. Và “những việc lẽ ra đã phải làm...” sẽ nối
đuôi nhau xuất hiện trong cuộc đời mỗi người.
YI IN SUN
(tiến sĩ tâm lý học Đại học Yeungnam, Hàn Quốc)
(tiến sĩ tâm lý học Đại học Yeungnam, Hàn Quốc)
BÙI PHAN ANH THƯ chuyển ngữ
Bài liên quan
hay quá. thank blog
ReplyDeleteĂn gì tốt cho bà bầu